Tinh giản ngành công an vẫn chưa minh bạch trong vấn đề công khai số lượng

Ngày 4/1, RFA Tiếng Việt có bài: “Tinh giản ngành công an, không công khai quân số có minh bạch?”.

Theo đó, RFA cho hay, không thoát hiểm trong làn sóng tinh gọn như cách đây vài tháng, vào những ngày cuối năm 2024, Việt Nam công bố thông tin về tinh gọn bộ máy ngành công an.

Cụ thể theo công bố từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an hôm 29/12/2024, ngành công an đã thực hiện sắp xếp giảm 280 đơn vị cấp phòng, hơn 1.200 đơn vị cấp đội của công an các đơn vị, địa phương…

Theo Bộ Công an, việc triển khai tinh giản như vừa nêu được thực hiện theo Đề án số 19/ĐA-BCA của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an ban hành ngày 10/7/2023.

Cũng theo Bộ này, tính từ năm 2018 đến nay, qua 2 lần sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã giảm 6 Tổng cục, 1 đơn vị tương đương cấp Tổng cục, 55 đơn vị cấp Cục, 7 trường công an, 20 Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh, gần 1.200 đơn vị cấp Phòng, trên 3.500 đơn vị cấp Đội.

RFA dẫn lời một nhà quan sát ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết, nhìn vẻ ngoài thì thật ra Bộ Công an cũng có tinh giản:

“Trên trung ương là Bộ Công an, dưới các tỉnh là công an tỉnh, dưới nữa là công an huyện, vẫn diễn ra sự sắp xếp trong nội bộ của các cơ quan này… Nhưng theo hướng cho nghỉ hưu những người có tuổi tiệm cận với tuổi hưu mà không giữ chức vụ gì, hoặc không có đủ điều kiện thăng chức. Ở văn phòng Bộ Công an thì sắp xếp lại các Cục, Vụ, Viện… cũng theo hướng đó”.

Nên thực chất là gần như không tinh giản.

Do đó, theo người này, tất cả những điều đó chỉ là “trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng”, vốn đang nai lưng ra đóng thuế để nuôi 1 bộ máy “hành là chính”.

RFA cho biết, tinh gọn bộ máy là chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm trong vài tháng cuối năm 2024. Việc tinh gọn này được cho là nhằm cắt giảm gánh nặng về ngân sách. Thế nên khi đó, việc Tổng Bí thư Tô Lâm chừa ra Bộ Công an, cơ quan ngốn tiền ngân sách bậc nhất của bộ máy nhà nước, là rất khó hiểu.

RFA dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, cho rằng, có 4 lý do chính mà ông Tô Lâm luôn tìm cách ưu ái Bộ Công an:

“Thứ nhất là Bộ Công an là nơi mà ông dựa vào để có quyền lực nhằm thực thi các chính sách của mình. Ông không muốn hoặc chưa muốn mất chỗ dựa vào lúc này. Thứ 2 là Bộ Công an không chỉ là chỗ dựa của ông mà còn là chỗ dựa của đảng Cộng sản. Có thể ông không muốn bỏ bớt sự kiểm soát xã hội vào lúc này, vì vậy mà vẫn tiếp tục nuôi dưỡng một số lượng lớn công an, chỉ để kiểm soát xã hội và giữ vững Đảng Cộng sản”.

Thứ 3, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ là ông Tô Lâm không muốn tạo ra nhiều kẻ thù hay sự chống đối, nhất là những chống đối từ những thế lực có quyền lực thực sự như công an và quân đội, vào lúc này, khi mà uy tín của ông chưa đủ lớn.

“Và cuối cùng, có thể ông cũng không muốn có quá nhiều xáo trộn, nhất là khi ông cũng không biết việc sắp xếp Bộ Công an, hay những bộ ngành khác thực chất cuối cùng nó sẽ thế nào. Một thuật ngữ ông dùng là “vừa chạy vừa xếp hàng” ý nói là việc sắp xếp sẽ được định hình trong khi thay đổi mà không cần kế hoạch trước” – Ông Vũ nói.

Theo RFA, hiện không ai biết ở Việt Nam có bao nhiêu công an, điều này có thể được coi là sự thiếu minh bạch.

RFA dẫn lời Giáo sư Carl Thayer cho biết, con số 6,7 triệu này ông đưa ra từ năm 2008, trong đó có bao gồm 1,2 triệu nhân viên Bộ Công an, cộng với 5 triệu nhân viên lực lượng tự vệ nhân dân thành thị, và dân quân nông thôn, và lực lượng không công khai. Trong đó, 1,2 triệu cảnh sát được phân bổ trên nhiều sở, như cảnh sát cộng đồng, điều tra tội phạm, điều tra ma túy, tội phạm kinh tế, quản lý nhà tù, giao thông, gây rối dân sự, bảo vệ VIP…

 

Xuân Hưng – thoibao.de